WordPress là gì?
WordPress là một phần mềm mã nguồn mở (Open Source Software)
được viết bằng ngôn ngữ lập trình website PHP (Hypertext Preprocessor)
và sử dụng hệ quản trị cơ sở dữ liệu MySQL. WordPress được ra mắt lần
đầu tiên vào ngày 27/5/2003 bởi tác giả Matt Mullenweg
và Mike Little. Hiện nay WordPress được sở hữu và phát triển bởi công ty
Automattic có trụ sở tại San Francisco, California thuộc hợp chủng quốc
Hoa Kỳ.
WordPress là một mã nguồn mở bằng ngôn
ngữ PHP để hỗ trợ tạo blog cá nhân, và nó được rất nhiều người sử dụng
ủng hộ về tính dễ sử dụng, nhiều tính năng hữu ích. Qua thời gian, số
lượng người sử dụng tăng lên, các cộng tác viên là những lập trình viên
cũng tham gia đông đảo để phát triển mã nguồn WordPress có thêm những
tính năng tuyệt vời. Và cho đến thời điểm viết bài này là 2015,
WordPress đã được xem như là một hệ quản trị nội dung (CMS – Content Management System) vượt trội để hỗ trợ người dùng tạo ra nhiều thể loại website khác nhau như blog, website tin tức/tạp chí, giới thiệu doanh nghiệp, bán hàng – thương mại điện tử,
thậm chí với các loại website có độ phức tạp cao như đặt phòng khách
sạn, thuê xe, đăng dự án bất động sản,…vâng…vâng…Hầu như mọi hình thức
website với quy mô nhỏ và vừa đều có thể triển khai trên nền tảng
WordPress.
Nhưng như thế không có nghĩa là
WordPress chỉ thích hợp với các dự án nhỏ, mà hiện nay có tới khoảng 25%
website trong danh sách 100 website lớn nhất thế giới sử dụng mã nguồn
WordPress. Ví dụ như trang tạp chí TechCrunch, Mashable, CNN, BBC America, Variety, Sony Music, MTV News, Bata, Quartz,…rất nhiều không thể kể hết được.
Những thành tựu của WordPress
Khi tìm hiểu về WordPress, bạn sẽ thật
tự hào khi biết rằng mã nguồn mà các bạn đang tìm hiểu ngay sau đây có
những thành tựu rất vượt bậc và là một mã nguồn CMS mở phổ biến nhất
hành tinh. Để kiểm chứng điều đó, các bạn cần biết là:
- Trên thế giới, có khoảng 25 bài viết được đăng lên các website sử dụng WordPress mỗi giây.
- Số lượng website làm bằng WordPress chiếm 23% tổng số lượng website trên thế giới.
- Trong số 100% các website sử dụng mã nguồn CMS, WordPress chiếm 60%.
- Phiên bản WordPress 4.0 đạt hơn 16 triệu lượt tải chỉ sau khoảng hai tháng.
- WordPress đã được dịch sang 52 ngôn ngữ khác nhau. Tuy nhiên lại chưa có phiên bản tiếng Việt chính thức, nhưng bạn có thể Việt hóa dễ dàng bằng cách tìm bài trên blog với từ khóa “Việt hóa WordPress“.
- Có hơn 80 chương trình họp mặt về WordPress được tổ chức vào năm 2014.
- Mã nguồn WordPress hiện đang có khoảng 785 lập trình viên cùng hợp tác phát triển.
- Chỉ tính các giao diện (hay còn gọi là theme) miễn phí trên thư viện WordPress.org thì đã có hơn 2.700 themes khác nhau.
Bạn thấy đó, WordPress thật tuyệt vời phải không nào?
Tại sao nên dùng WordPress
Nếu bạn vẫn còn băn khoăn về WordPress,
mình xin chỉ ra cho bạn một số lý do rất tuyệt vời để bạn chọn WordPress
làm nền tảng xây dựng website cho riêng bạn.
Dễ sử dụng
WordPress được phát triển nhằm phục vụ
đối tượng người dùng phổ thông, không có nhiều kiến thức về lập trình
website nâng cao. Các thao tác trong WordPress rất đơn giản, giao diện quản trị trực quan
giúp bạn có thể nắm rõ cơ cấu quản lý một website WordPress trong thời
gian ngắn. Về cách cài đặt lại càng dễ hơn, bạn có thể tự cài đặt một
website WordPress trên host (máy chủ) riêng của mình và tự vận hành nó
sau vài cú click.
Cộng đồng hỗ trợ đông đảo
Là một mã nguồn CMS mở phổ biến nhất thế
giới, điều này cũng có nghĩa là bạn sẽ được cộng đồng người sử dụng
WordPress hỗ trợ bạn các khó khăn gặp phải trong quá trình sử dụng. Nếu
bạn có khả năng tiếng Anh tốt, bạn có thể dễ dàng tìm câu trả lời cho
vấn đề bạn đang gặp phải trên Google chỉ với vài từ khóa tìm kiếm.
Nhiều gói giao diện có sẵn
Trong khi sử dụng WordPress, khái niệm giao diện cho website WordPress thường được gọi là theme.
Hiện nay WordPress có rất nhiều theme miễn phí khác nhau để bạn có thể
dễ dàng trang trí cho website mình chỉ với vài cú click mà không cần bận
tâm việc làm sao để thiết kế một theme cho riêng mình. Còn nếu bạn muốn
website đẹp và chuyên nghiệp hơn, bạn có thể mua các theme trả phí với
giá bán dao động từ $30 đến $65.
Nhiều plugin hỗ trợ
Plugin nghĩa là một trình cắm thêm vào
website để bổ sung các chức năng mà bạn cần. Ví dụ mặc định sau khi cài
website WordPress, bạn không có chức năng hiển thị các bài viết liên
quan ở dưới mỗi bài viết, nhưng với nhiều plugin miễn phí hỗ trợ thì bạn
có thể dễ dàng cài thêm một plugin miễn phí để website mình có chức
năng đó. Tương tự với theme, cũng có rất nhiều plugin trả phí mang những
tính năng rất độc đáo và có ích vào website và nó sẽ có giá khoảng từ
$10 đến $80 tùy theo độ phức tạp.
Dễ phát triển cho lập trình viên
Nếu bạn là một người có am hiểu về việc
làm website như thành thạo HTML, CSS, PHP thì có thể dễ dàng mở rộng
website WordPress của bạn ra với rất nhiều tính năng vô cùng có ích.
Cách phát triển cũng rất đơn giản vì WordPress là một mã nguồn mở nên
bạn có thể dễ dàng hiểu được cách hoạt động của nó và phát triển thêm
các tính năng.
Với hàng nghìn hàm (function) có sẵn của
nó, bạn có thể thoải mái sử dụng, bạn cũng có thể thay đổi cấu trúc của
một hàm với filter hook và hầu như quy trình làm việc của một lập trình
viên chuyên nghiệp có thể ứng dụng dễ dàng vào WordPress.
Hỗ trợ nhiều ngôn ngữ
Mã nguồn WordPress hiện tại có rất nhiều
gói ngôn ngữ đi kèm, bao gồm tiếng Việt. Mặc dù trong mỗi giao diện hay
plugin đều có ngôn ngữ riêng nhưng bạn có thể dễ dàng tự dịch lại nó
với các phần mềm hỗ trợ.
Có thể làm nhiều loại website
Dùng WordPress không có nghĩa là bạn chỉ
có thể làm blog cá nhân, mà bạn có thể biến website mình thành một
trang bán hàng, một website giới thiệu công ty, một tờ tạp chí online
bằng việc sử dụng kết hợp các theme và plugin với nhau. Tuy nhiên để làm
được, bạn nên chắc chắn là đã hiểu được WordPress chứ đừng vội một bước
lên mây để nhận các cảm giác thất vọng vì độ phức tạp của nó.
Những hiểu lầm về WordPress
Trước khi học WordPress, mình xin nói qua một xíu điều về WordPress để tránh gây hiểu lầm cho nhiều người về mã nguôn này.
WordPress chỉ là một phần mềm
Đúng vậy, WordPress chỉ là một phần mềm
nguồn mở được viết bằng PHP & MySQL để giúp bạn tạo được website
nhanh hơn. Nhưng đó không có nghĩa là nó sẽ giúp bạn tạo được một
website bất kỳ chỉ với các thao tác đơn giản.
Mặc dù thư viện các giao diện có sẵn
(Theme) và Plugin rất nhiều nhưng để tuỳ biến website sử dụng WordPress
tốt hơn, bạn cần phải có kiến thức về PHP, HTML, CSS, Javascript,…tất cả
các kỹ thuật liên quan tới website.
WordPress chỉ dành cho người không biết code
Hoàn toàn sai lầm, nếu bạn đã nghe ai đó
nói với bạn rằng WordPress chỉ dành cho những người không chuyên lập
trình sử dụng thì điều này hoàn toàn không chính xác.
Dĩ nhiên những người không biết lập
trình sẽ dùng WordPress bằng cách sử dụng các tính năng có sẵn, thư viện
giao diện phong phú và các plugin hỗ trợ cũng đã đủ để làm được
website. Nhưng nếu bạn biết code thì càng tốt vì WordPress có phần lõi
mã nguồn rất mạnh để bạn áp dụng kỹ năng không giới hạn.
Lời kết
Trong bài này, chắc bạn đã hiểu được
WordPress là như thế nào rồi và có thể bắt đầu với nó nếu bạn cảm thấy
hứng thú. Hãy trỏ qua xem các bài viết phần tiếp theo, bạn sẽ hiểu hơn
về WordPress và đi dần vào cách cài đặt.
Post a Comment