Trong các bài trước, bạn đã học được cách cài đặt WordPress trên localhost. Đây là lúc chúng ta cùng khám phá thế giới WordPress đầy hấp dẫn và thú vị. Trong bài viết này tôi sẽ giới thiệu tổng quan về WordPress và các tính năng chính. Nếu các bạn đã sẵn sàng, chúng ta cùng bắt đầu nào!
Đăng nhập
Trước khi bạn thực hiện bất kỳ thay đổi nào trên website của mình, bạn cần đăng nhập. Một số WordPress themes có tích hợp Form đăng nhập, nó thường nằm trên Sidebar. Nếu không tìm thấy Form đăng nhập bạn nhập địa chỉ URL có dạng: http://your-domain-name.com/wp-admin. Nhập https://your-domain-name.com bằng tên miền thật sự của bạn. Một màn hình đăng nhập sẽ hiện ra, bạn nhập tên đăng nhập và mật khẩu sau đó nhấp vào nút Login để đăng nhập.
Khi bạn đăng nhập, trình duyệt web sẽ tạo một cookie thông báo cho WordPress biết rằng bạn đang đăng nhập. Nếu bạn tắt trình duyệt khi đang làm việc trong WordPress, bạn chưa thật sự đăng xuất. Hãy cẩn thận nếu bạn đang dùng máy tính công cộng vì việc này tuy đơn giản nhưng nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến website của bạn. Vì thế hãy đăng xuất khi bạn kết thúc phiên làm việc trên WordPress.
Hình 1: Màn hình đăng nhập WordPress |
Lưu ý: URL đăng nhập không phải lúc nào cũng là http://your-domain-name.com/wp-admin. Đường dẫn URL nó phụ thuộc vào vị trí bạn cài đặt WordPress trên hosting. Ví dụ: Có thể bạn thiết lập để WordPress cài đặt trong một thư mục con nào đó. Khi ấy địa chỉ đăng nhập có dạng là http://your-domain-name/ subdirectory/wp-admin. Bạn cần chú ý để nhập URL một cách chính xác.
Tổng quan về WordPress Dashboard
WordPress Dashboard (Trang quản trị) là trang chủ của khu vực quản trị (Admin area). Đây là một phần quan trọng giúp bạn làm chủ WordPress. Tôi sẽ hướng dẫn chi tiết giúp bạn từng bước sử dụng thành thạo WordPress Dashboard để quản trị blog/website của mình.
Bạn cũng sẽ được học về các tính năng ẩn trong WordPress Dashboard. Nó sẽ rất hữu ích cho bạn, giúp bạn nâng cao kỹ năng WordPress của mình.
Khu vực quản trị WordPress của bạn
Sau khi đăng nhập, WordPress Dashboard (Trang quản trị) sẽ xuất hiện. Đây là phần quản trị chính đối với website của bạn. WordPress Dashboard được tạo thành từ nhiều widget khác nhau. Bạn có thể hiện hoặc ẩn nó một cách dễ dàng. Nhưng nhiều người mới thường không thay đổi WordPress Dashboard mà cứ để như mặc định.
Hình 2: WordPres Dashboard |
WordPress Dashboard là nơi mà bạn sẽ thực hiện tất cả các thao tác quản trị đối với blog/website của mình. Nó được chia thành nhiều khu vực quan trọng khác nhau giúp bạn truy cập vào các tính năng và công cụ cần thiết một cách nhanh chóng như:
- Khu vực hiển thị các dữ liệu và thông tin quan trọng trên trang web của bạn. Nó cho phép bạn xem qua các hoạt động diễn ra trên trang của mình một cách nhanh chóng và dễ dàng. Nó cũng cho phép bạn nhìn thấy các thông báo cập nhật lên phiên bản WordPress, Themes, Plugins mới nhất.
- Khu vực cho phép bạn quản lý các cài đặt và tuỳ chọn trên trang của mình.
- Khu vực cung cấp tính năng cho phép bạn chỉnh sửa, cập nhật, mở rộng các tính năng và thiết kế của website; nâng cấp Plugins và Themes; Thay đổi, thêm, xoá nội dung bài viết.
Hình 3: Dashboard At a Glance |
Chúng ta hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn các phần chính trên WordPress Dashboard!
Welcome to WordPress!
Hình 4: Welcom to WordPress |
Đây là tiện ích hiển thị đầu tiên trong WordPress Dashboard. Ở phía tay trái có một nút “Customize” giúp bạn tuỳ chỉnh WordPress Themes và liên kết thay đổi giao diện ở phía dưới.
Cột giữa chứa các liên kết hữu ích giúp bạn nhanh chóng tạo bài viết mới, tạo trang mới, chỉnh sửa front page, hiển thị site.
Cột cuối cùng chứa các liên kết đến trang quản lý tiện ích (widget) và trình đơn (menu), tắt hoạt bật bình luận, liên kết đến trang hướng dẫn WordPress cũng được hiển thị ở đây.
Không giống như các tiện ích khác, tiện ích Welcom to WordPress không thể thu nhỏ. Bạn chỉ có thể tắt nó đi. Tôi nghĩ rằng nguyên nhân có thể là nó chỉ dành cho người mới!
Nếu bạn không muốn nó hiển thị trên Dashboard, hãy tắt nó đi bằng cách nhấp vào nút Dismiss. Khi bạn cần nó bạn có thể hiển thị nó bằng cách vào Screen Opion và kích chọn vào Welcome.
At a Glance
Hình 5: At a Glance |
Tiện ích At a Glance cho phép bạn xem nhanh các thông tin tổng quan về website của bạn như: Số bài viết, số trang, phiên bản WordPress đang sử dụng, tên WordPress Themes bạn đang dùng, số bình luận trên trang (bao gồm cả spam). Nếu bạn không dùng phiên bản WordPress mới nhất nó sẽ tự động hiển thị nút Update. Nếu bạn không phải là Admin, nó sẽ hiển thông báo kết nối với Admin.
Một số plugin cũng sẽ hiển thị thông báo tại đây. Ví dụ như plugin Askimet, nó sẽ hiển thị số lượng spam comments đã được loại bỏ và số lượng spam comments đang chờ kiểm duyệt.
Quick Draft
Hình 6: Quick Draff |
Tiện ích Quick Draft rất tiện lợi trong việc giúp bạn ghi lại ý tưởng cho một bài viết trong tương lai. Vì nó dùng để tạo một bản nháp nên không có đầy đủ các chức năng như trình soạn thảo của WordPress. Vì thế bạn không thể định dạng văn bản hay chèn hình ảnh, liên kết, media…
Khái niệm bản nháp rất đơn giản. Nếu bạn nảy sinh ra một ý tưởng cho bài viết mới của mình, hãy viết tiêu đề và một số ý chính. Sau đó lưu nó lại dưới dạng bản nháp rồi hoàn thiện bài viết vào một ngày nào đó.
Activity
Hình 7: Activity |
Tiện ích Activity hiển thị các bài viết gần đây nhất của bạn. Nó cũng hiển thị các bình luận mới nhất. Bạn có thể trả lời bình luận trực tiếp tại đây hoặc xoá và đưa nó vào danh sách spam.
WordPress Events and News
Tiện ích WordPress Events and News hiển thị các sự kiện và bài viết mới nhất từ các blog WordPress chính thức như https://wptavern.com và https://wordpress.org.com. Theo dõi để cập nhật các thông tin mới nhất về WordPress rất cần thiết.
Tính năng Screen Option
Bạn có thể tìm thấy tính năng Screem Option ở góc phải phía trên, phía dưới menu quản trị. Nó hiển thị hoặc ẩn các tính năng và tuỳ chọn trên màn hình Home của Dashboard. Screen option hiển thị các tính năng và tuỳ chọn theo ngữ cảnh. Nếu bạn đang ở phần Posts, nhấp vào Screen Option nó sẽ hiển thị các cài đặt khác nhau như: hiển thị hoặc ẩn các thông tin Tag, Author, comments, Date, Categories…
Trợ giúp Online của WordPress (Help)
Bạn có thể xem tại liệu hướng dẫn và hỗ trợ chính thức bằng cách nhấp vào nút Help (Bên cạnh nút Screen Option). Giống như Screen Option, Help cũng hiển thị theo ngữ cảnh.
Ví dụ: Nếu bạn đang chỉnh sửa nội dung trong Edit Post, khi nhấp vào nút Help bạn sẽ được cung cấp các thông tin và hướng dẫn hữu ích có liên quan đến việc chỉnh sửa bài viết.
WordPress Admin Toolbar
Admin Toolbar nằm phía trên cùng của màn hình Dashboard của bạn. Nó hiển thị tên người dùng đang đăng nhập, liên kết nhanh đến website của bạn và các chức năng, tính năng quản trị khác.
Khi bạn rê chuột vào, một số biểu tượng trên thanh Admin Toolbar có thể được mở rộng, hiển thị thêm các tính năng khác.
Bạn có thể nhanh chóng thấy các thông báo về cập nhật WordPress, Themes, Plugins…Bạn cũng có thể thấy số lượng các bình luận chờ kiểm duyệt, tạo mới bài viết và trang, chèn mới media và liên kết vào bài viết, thêm người dùng mới, Howdy, User…
Bạn cũng có thể xem các bài viết đã hoàn chỉnh hoặc vừa chỉnh sửa trên trang của mình như một khách truy cập.
Nếu bạn chưa đăng xuất, Admin Toolbar sẽ vẫn hiển thị khi bạn nhấp vào liên kết Visit Site. Điều này rất thuận tiện vì nó giúp bạn có thể quay trở lại Dashboard mà không cần phải đăng nhập lại.
Một số plugin cũng sẽ được hiển thị trên thanh Admin Toolbar sau khi cài đặt và kích hoạt.
Nếu bạn đang đăng nhập nhưng không nhìn thấy Amin Toolbar khi bạn xem trang “front end” của mình, hãy kiểm tra lại xem bạn đã cài đặt nó trong khu vực “Profile” chưa.
Menu điều hướng trong WordPress
Phía bên trái của khu vực quản trị là menu điều hướng trong WordPress. Nó chứa các liên kết đến tất cả các tính năng quản trị của bạn. Đây là nơi bạn thường xuyên làm việc. Các menu có thể có các menu con, nhưng theo mặc định chúng không hiển thị. Chúng chỉ hiển thị khi bạn rê chuột hoặc nhấp vào menu cha.
Lưu ý là những người được phân quyền khác nhau sẽ nhìn thấy các menu khác nhau. Chỉ có Administrator mới có thể truy cập đầy đủ các tính năng quản trị của WordPress.
Nếu bạn muốn có thêm không gian làm việc, nhấp vào nút Collapse menu để thu gọn trình đơn. Lúc này các trình đơn chỉ có các biểu tượng mà không có nhãn. Nhấp lại Collapse menu để trở về mặc định.
Bạn có thể tìm thấy Footer ở phía dưới WordPress Dashboard. Nó hiển thị liên kết đến WordPress.org và phiên bản WordPress mà bạn đang dùng.
Sắp xếp Dashboard theo sở thích
Bạn có thể sắp xếp các widget trên trang chủ Dashboard theo sở thích của mình. WordPress rất quan tâm đến trải nghiệm người dùng và nỗ lực trong việc cho phép bạn tuỳ biến Dashboard sao cho thuận tiện và thoải mái trong việc quản trị trang web của bạn. Bạn có thể dễ dàng thay đổi thứ tự, vị trí hiển thị của các wiget trên trang chủ của Dashboard.
Trong các bước sau, tôi sẽ hướng dẫn bạn cách di chuyển widget At a Glance để nó hiển thị phía bên phải của Dashboard.
Bước 1: Giữ chuột trên thanh tiêu đề của widget At a Glance. Khi bạn giữ chuột trên thanh tiêu đề nó sẽ xuất hiện hình chữ thập với 4 mũi tên.
Bước 2: Nhấp giữ chuột và kéo widget At a Glance đến vị trí bên phải của màn hình. Khi bạn thực hiện thao tác kéo, một đường màu xám nhạt với các nét đứt sẽ xuất hiện phía bên phải màn hình.
Bước 3: Thả chuột sau khi bạn đã chọn đúng vị trí để đặt widget. Bây giờ Wiget At a Glance sẽ nằm phía trên bên phải của Dashboard.
Nhấp chuột vào nút mũi tên nhỏ ở phía bên phải tiêu đề (lúc này nó chỉ lên phía trên) At a Glance để thu gọn nó. Nhấp lại lần nữa để mở rộng (lúc này mũi tên chỉ xuống phía dưới). Bạn có thể mở rộng hoặc thu gọn tuỳ theo sở thích của mình. Các widget khác cũng thực hiện tương tự.
Nếu trên Dashboard có các widget mà bạn không bao giờ dùng tới, bạn có thể ẩn nó đi bằng cách vào Screen Option để bỏ chọn nó.
Tìm kiếm tài liệu và trợ giúp trực tuyến
Một trong những điểm mạnh của WordPress mà tôi rất thích đó là nó cung cấp rất nhiều tài liệu và trợ giúp trực tuyến. Bạn có thể tìm thấy các hướng dẫn cơ bản các tính năng của WordPress. Đặc biệt WordPress cung cấp các tài liệu và hướng dẫn theo ngữ cảnh. Tức là bạn làm việc ở phần nào nó sẽ cung cấp tài liệu và huơgns dẫn liên quan đến phần đó.
Cấu hình mục Settings
Phía dưới menu quản trị của bạn có mục Settings. Rê chuột lên trình đơn Settings, các trình đơn con sẽ xuất hiện. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu các menu con có trong mục Settings
General
Sau khi cài đặt và đăng nhập vào WordPress, bạn có thể cá nhân hoá blog của mình bằng cách đặt tiêu đề và môt tả cho nó, cài đặt địa chỉ liên lạc email, xác minh bạn là chủ sở hữu của blog…Bạn có thể thực hiện các cài đặt này tại mục General như sau:
Bạn nhấp chuột vào trang Settings » General. Trang General sẽ xuất hiện.
- Site Title: Nhập tên website của bạn và trường Site Title. Tên website của bạn sẽ hiển thị trên thanh tiêu đề của các trình duyệt.
- Tagline: Nhập một đoạn từ 5 đến 10 từ mô tả website của mình.
- WordPress Address (URL): Nhập vị trí cài đặt WordPress trên web hosting. Chú ý điền đầy đủ giao thức http:// hay https://. Ví dụ: https://tên-miền-của-bạn.com. Giả sử bạn cài đặt WordPress trong thư mục con có tên là wp thì WordPress Address (URL) sẽ là: https://tên-miền-của-bạn.com/wp.
- Site Address (URL): Nhập vào địa chỉ website, cái mà người dùng sẽ gõ vào thanh địa chỉ trên trình duyệt khi muốn ghé thăm trang của bạn.
- Email Address: Bạn nhập vào địa chỉ email của mình. WordPress sẽ gởi tin nhắn chi tiết về website của bạn. Và khi ai đó đăng ký người dùng mới, WordPress cũng sẽ gửi thông báo cho bạn.
- Membership: Kích chọn Anyone can register nếu bạn muốn tất cả mọi người có thể đăng ký, bỏ chọn nếu không cho phép đăng ký.
- New User Default Role: Phân quyền mặc định cho người dùng mới. Bạn kích vào menu thả xuống để phân quyền mặc định cho người dùng mới. Bạn cần hiểu về phân quyền trong WordPress như sau:
- Subscriber: Đây là phân quyền mặc định cho người dùng mới. Bạn nên dùng phân quyền này cho những người dùng mới, đặc biệt là khi bạn không biết họ là ai. Đây là quyền thấp nhất, người dùng chỉ có thể chỉnh sửa thông tin cá nhân của họ mà thôi.
- Contributor: Nhóm này ngoài các quyền của nhóm Subscriber ra họ còn có quyền tải tập tin, viết bài, chỉnh sửa và quản lý bài viết của mình. Nhưng họ không thể xuất bản bài viết mà chỉ có thể gửi bài chờ xét duyệt của quản trị. Thiết lập này là cách tốt nhất để kiểm duyệt nội dung bài viết của các tác giả mới.
- Author: Nhóm này ngoài các quyền của nhóm Contributor, họ còn có quyền xuất bản và chỉnh sửa nội dung bài viết của họ.
- Editor: Bao gồm các quyền đã có của nhóm Author và có thêm quyền kiểm duyệt bình luận, quản lý danh mục (category), quản lý liên kết, chỉnh sửa trang và chỉnh sửa các bài viết khác của nhóm Author.
- Administrator: Đây là quyền cao nhất, có thể chỉnh sửa các cài đặt, tuỳ chọn trong website WordPress. Administrator có quyền truy cập tất cả mọi thứ vì thế hãy thận trọng và cân nhắc trước khi phân quyền này cho người khác.
- Timezone: Chọn múi giờ.
- Date Format: Cài đặt này sẽ quy định cách hiển thị của ngày, tháng, năm. Theo mặc định nó hiển thị F j, Y.
- Time Format: Định dạng hiển thị thời gian.
- Week Starts On: Ngày bắt đầu của tuần. Mặc định là Thứ 2 (Monday).
Nhấp nút Save Changes để lưu lại.
Writting
Nhấp vào Settings » Writting để mở trang Writting Settings. Nó cho phép bạn thiết lập một số tuỳ chọn cơ bản để viết bài.
- Default Post Category: Nếu bạn xuất bản bài viết mà quên chọn danh mục, WordPress sẽ chọn danh mục mặc định cho bài viết của bạn. Mặc định WordPress sẽ chọn danh mục Uncategorized, bạn có thể thay đổi danh mục mặc định cho bài viết của mình. Default Post Format: Cho phép bạn chọn đ ịnh dạng mặc định của bài viết.
- Post via email: Cho phép bạn xuất bản bài viết từ tài khoản email của mình. Để đăng bài viết WordPress qua tài khoản email, bạn phải thiết lập một tài khoản email bí mật với quyền truy cập POP3. Bất kỳ thư nào nhận được tại địa chỉ này sẽ được đăng, vì vậy, nên giữ bí mật địa chỉ này. Ba chuỗi ngẫu nhiên mà bạn có thể sử dụng: npsgFseY, SKLrJI6G, CoUHXmK8.
- Update Services: Cho phép chỉ định dịch vụ ping mà bạn muốn sử dụng để thông báo khi cập nhật hoặc xuất bản bài viết mới.
Reading
Phần thứ ba của menu Setting là Reading. Bạn có thể cài đặt các tuỳ chọn cho trang Reading Settings như bên dưới:
- Front page displays: Chọn trang bạn muốn hiển thị lên trang chủ: Bài viết mới nhất hay trang tĩnh.
- Blog pages show at most: Số lượng bài viết tối đa hiển thị trên mỗi trang. Mặc định là 10, nhưng bạn có thể thay đổi theo nhu cầu và sở thích.
- Syndication feeds show the most recent: Số bài viết tối đa được hiển thị trên trang RSS Feed của website WordPress của bạn.
- For each article in a feed, show: Chọn Full text hoặc Summary. Full text đăng toàn bộ bài viết lên nguồn cấp dữ liệu RSS của bạn, trong khi đó Summary chỉ hiển thị trích đoạn.
- Search Engine Visibilit: Theo mặc định tuỳ chọn Discourage search engines from indexing this site không được chọn. Nếu bạn không muốn các trình thu thập thông tin của các công cụ tìm kiếm truy cập và lập chỉ mục blog/website của bạn hãy kích chọn tuỳ chọn này. Lưu ý là nếu kích chọn tuỳ chọn này trang của bạn sẽ không được hiển thị trên bảng kết quả tìm kiếm của Google và các công cụ tìm kiếm khác.
Hãy nhấp nút Save changes để lưu lại các thay đổi sau khi bạn thiết lập các tuỳ chọn.
Discussion
Discussion cho phép bạn thiết lập các tuỳ chọn để xử lý bình luận và đăng chúng lên blog của bạn.
Nhấp vào Settings » Discussion để vào trang Discussion Settings
Default article settings
Trong phần Default article settings bạn có thể nói cho WordPress biết cách xử lý các bình luận. Có 03 tuỳ chọn như bên dưới:
- Attempt to notify any blogs linked to from the article: Nếu bạn kích chọn tuỳ chọn này, blog/website sẽ gởi thông báo (hoặc ping) đến các blog/website mà bạn đặt liên kết trong bài viết của mình. Các thông báo này thường được gọi là trackback.
- Allow link notifications from other blogs (pingbacks and trackbacks) on new articles: Theo mặc định, hộp kiểm này được chọn để blog của bạn nhận được thông báo quan pingback hoặc trackback từ một blog khác có liên kết đến trang của bạn. Bất kỳ pingback và trackback nào gửi đến blog của bạn cũng đề được liệt kê trong phần nhận xét (comment). Nếu bạn không muốn nhận pingback và trackback từ các blog khác, hãy bỏ chọn nó.
- Allow people to post comments on new articles: Mặc định hộp kiểm này được chọn và độc giả có thể để lại bình luận trên trang của bạn. Nếu bạn không muốn độc giả để lại bình luận hãy bỏ chọn nó.
Other comment settings
Các thiết lập khác có liên quan đến việc để lại bình luận trên blog/website của bạn
- Comment author must fill out name and email: Theo mặc định tuỳ chọn này được kích hoạt. Nó yêu cầu người đăng bình luận phải điền đầy đủ tên và địa chỉ email. Tuỳ chọn này rất hữu ích trong việc chống spam bình luận.
- Users must be registered and logged in to comment: Tuỳ chọn này không được kích hoạt mặc định. Tuỳ chọn này chỉ cho phép những người đã đăng ký và đăng nhập mới có quyền bình luận trên trang của bạn.
- Automatically Close Comments on Articles Older Than X Days: Cho phép tự đóng bình luận của post/page nếu nó đã cũ hơn [x] ngày. Tính năng này rất hiệu quả trong việc chống spam bình luận.
- Enable Threaded (Nested) Comments X Levels Deep: Trình đơn thả xuống cho phép bạn chọn cấp độ của bình luận có trên trang của mình. Mặc định là 5, bạn có thể chọn tối đa là 10. Thay vì các comments được hiển thị theo thức tự thời gian trên blog của bạn thì nó sẽ được lồng vào nhau, cho phép bạn và độc giả của bạn trả lời qua lại với nhau (bình luận trong bình luận).
- Break Comments into Pages with X Top Level Comments Per Page and the Last/First Page Displayed by Default: Phân trang cho bình luận. Tuỳ chọn này rất hữu ích khi trang của bạn có nhiều bình luận. Nó giúp cho các bình luận dễ đọc và tăng tốc độ tải trang.
- Comments should be displayed with the [older/newer] comments at the top for each page: Thứ tự bình luận sẽ hiển thị theo mới nhất/cũ nhất.
Email me whenever
Hai tuỳ chọn trong phần Before a comment appears nói với WordPress cách bạn muốn nó xử lý các bình luận trước khi chúng xuất hiện trên blog của bạn.
- Comment must be manually approved: Mỗi bình luận phải được chờ duyệt mới được hiển thị ra website.
- Comment author must have a previously approved comment: Bình luận sẽ được hiển thị nếu tác giả của bình luận đã có một bình luận được phê duyệt trước đó.
Comment moderation:
Bình luận tự động được đưa vào trạng thái chờ duyệt nếu nó chứa từ khóa, liên kết, địa chỉ IP hay nội dung có trong danh sách này. Mỗi quy tắc chặn đều phải đặt ở một dòng riêng.
Comment Blacklist
Trong phần này, bạn nhập vào danh sách các từ, các URLs, địa chỉ email, địa chỉ IP mà bạn muốn ngăn chặn. (Danh sách đen, các từ cấm kỵ như tục tĩu, nhạy cảm…). Nội dung được liệt kê ở đây sẽ được hệ thống lọc như là spam, thậm chí không cần phải đưa vào chờ kiểm duyệt.
Avatars
Avatars là ảnh nhỏ đại diện trực tuyến cho mỗi người, họ dùng nó để đại diện cho mình trong các cuộc trò chuyện, thảo luận tại các diễn đàn. Gravatars là ảnh đại diện được công nhận trên phạm vi toàn cầu. Bạn có thể dùng nó bất cứ nơi đâu, nó sẽ xuất hiện khi bạn để lại bình luận, đăng bài, thảo luận tại các diễn đàn…Năm 2007, Automatic đã mua dịch vụ Gravatar và tích hợp vào WordPress. Gravatar không được kích hoạt tự động, bạn phải đăng ký một tài khoản Gravatar trước khi sử dụng nó. Truy cập vào trang http://gravatar .com để tìm hiểu thêm.
Trong phần Avatar Display kích chọn Show Avatars nếu bạn muốn blog của mình hiển thị Avatars và tên của người bình luận.
Trong phần Maximum cho phép bạn thiết lập loại avatar bạn muốn hiển thị. Tính năng này nó hoạt động tương tự như hệ thống đánh giá và phân loại phim ảnh.
- R — Intended for adult audiences above 17G — Suitable for all audiences: Dành cho tất cả mọi người.
- PG — Possibly offensive, usually for audiences 13 and above: Có thể gây khó chịu, thường dành cho người trên 13 tuổi.
- R — Intended for adult audiences above 17: Dành cho người lớn trên 17.
- X — Even more mature than above: Chỉ dành cho người đã trưởng thành.
Default Avatar: Chọn avatar mặc định nếu người dùng không có Gravatar.
Nhấp nút Save Changes để lưu lại.
Media
Nhấp vào Settings » Media để vào trang Media Settings
Image sizes
Đây là tuỳ chọn đầu tiên trong trang Media Settings có liên quan đến hình ảnh. WordPress tự động thay đổi kích thước hình ảnh cho bạn với ba kích cỡ khác nhau khi bạn thêm một hình ảnh vào thư viện. Bạn có thể thay đổi kích thước của từng kiểu ảnh. Chiều cao và chiều rộng của ảnh được tính bằng pixel.
- Thumbnail size: Kích thước ảnh thu nhỏ. Mặc định nó có kích thước 150x150p. Hãy nhập vào chiều cao và chiều rộng theo nhu cầu và sở thích của bạn. Kích chọn hộp kiểm Crop thumbnail to exact dimensions (normally thumbnails are proportional) nếu bạn muốn cắt ảnh gốc theo chiều rộng và chiều cao mà bạn đã chỉ định.
- Medium size: Kích thước ảnh trung bình. Mặc định nó có kích thước 300x300p. Hãy nhập vào kích cỡ mà bạn mong muốn.
- Large size: Kích thước ảnh lớn. Mặc định nó có kích thước 1204x1024p. Hãy nhập vào kích cỡ mà bạn mong muốn.
Uploading Files
Tuỳ chọn tiếp theo và sau cùng trong trang Media Settings là Uploading Files. Theo mặc định hộp kiểm Organize my uploads into month- and year-based folders được chọn. Và WordPress tổ chức các thư mục theo tháng và năm để lưu trữ các tập tin tải lên.
Ví dụ: Các hình ảnh tải lên vào tháng 8 năm 2017 sẽ nằm trong thư mục /wp‐content/uploads/2017/08/.
Đừng quên nhấp nút Save Changes để lưu lại.
Permalinks
Nhấp vào Settings » Permalinks để vào trang Permalinks Setings
Khi bạn tạo một bài viết mới (hoặc trang mới) trong WordPress, nó sẽ có một địa chỉ URL duy nhất được gọi là permalink (liên kết tĩnh). Trang Permalink Settings cho phép bạn cấu hình cách các URL hiển thị trên trình duyệt. Theo mặc định, WordPress sẽ chọn định dạng liên kết tĩnh là kiểu Day and name. Tuy nhiên bạn có thể thay đổi để URL để nó thân thiện với người dùng và SEO.
Common Settings
Phần này bao gồm các thiết lập thông dụng. Bạn kích chọn một trong các cấu trúc liên kết tĩnh cho blog của mình tại đây.
- Plain: Cấu trúc đường dẫn mặc định.
- Day and name: Cấu trúc đường dẫn với kiểu hiển thị ngày đăng và tên bài viết.
- Month and name: Cấu trúc đường dẫn với kiểu hiển thị tháng đăng và tên bài viết.
- Numberic: Cấu trúc đường dẫn hiển thị ID của bài viết thay vì hiển thị tên.
- Post name: Cấu trúc đường dẫn hiển thị tên bài viết trong URL.
- Custom Structure: Tùy chỉnh cấu trúc đường dẫn tùy ý. Với Custom Structure, bạn có thể có cấu trúc đường dẫn mà bạn yêu thích. Để xây dựng được cấu trúc đường dẫn tùy biến bạn có thể sử dụng các từ khóa cấu trúc (được bọc bởi ký tự %) như bên dưới:
- %year%: năm đăng bài viết
- %monthnum%: tháng đăng bài viết
- %day%: ngày đăng bài viết
- %hour%: giờ đăng bài viết
- %minute%: phút đăng bài viết
- %second%: giây đăng bài viết
- %post_id%: số id của bài viết
- %postname%: tên của bài viết
- %category%: tên chuyên mục của bài viết
Optional:
Đây là các thiết lập tùy chọn không bắt buộc. Bạn có thể nhập các tuỳ chỉnh cho URLs của chuyên mục và thẻ ở đây. Category base and Tag base là các tiền tố sử dụng cho các URLs cho chuyên mục và thẻ. Nó có dạng:
- Category base: Nhập và tiền tố tuỳ chỉnh cho các URLs chuyên mục của bạn ở đây.
- Tag base: Nhập vào tiền tố tyuỳ chỉnh cho các URLs thẻ của bạn ở đây.
Đối với hầu hết các kiểu website, thiết lập permalink thường là post name. Bạn cũng cần lưu ý là không nên thay đổi thiết lập permalink sau khi trang web của bạn đã được xuất bản trên internet. Vì thay đổi như vậy, bạn sẽ phá vỡ các liên kết trên trang của mình, kể cả liên kết nội bộ, hay các liên kết từ bên ngoài.
Tạo hồ sơ cá nhân của bạn
Để cá nhân hoá blog của mình, bạn vào trang Users » Profile.Dưới đây là các cài đặt trên trang Profile.
Personal Options
- Visual Editor: Tuỳ chọn này cho phép bạn kích hoạt hoặc vô hiệu hoá Visual Editor khi viết bài. Theo mặc định Visual Editor được kích hoạt, để vô hiệu hoá bạn kích chọn vào Disable the visual editor when writing.
- Admin Color Scheme: Các tuỳ chọn trong phần này cho phép bạn chọn màu sắc cho WordPress Dashboard. Bạn hãy chọn màu sắc theo sở thích cá nhân của mình.
- Keyboard Shortcuts: Tuỳ chọn này cho phép bạn dùng phím tắt để kiểm duyệt bình luận. Để tìm hiểu thêm về Keyboard Shortcuts bạn nhấp vào liên kết More information
- Toolbar: Thanh Toolbar hiển thị ở phía trên trang web WordPress của bạn, nhưng nó chỉ hiển thị khi bạn đăng nhập vào website của mình. Những độc giả của bạn sẽ không nhìn thấy thanh Toolbar. Thanh Toolbar chứa các liên kết hữu dụng giúp bạn truy cập nhanh chóng các phần khác nhau trong WordPress Dashboard chỉ với một lần nhấp chuột. Bạn có thể chọn cách hiển thị Toolbar khi bạn ở trong Dashboard hoặc khi bạn xem trang web của mình hoặc cả hai
- Name: Đây là nơi bạn nhập vào các thông tin cá nhân như họ và tên và nickname, chỉ định tên bạn muốn hiển thị công khai. Điền đầy đủ các thông tin yêu cầu và chọn tên hiển thị từ menu xổ xuống.
Contact Info
Ở phần này, bạn cung cấp địa chỉ email, URL của trang web và các thong tin khác để người truy cập có thể tìm thấy bạn trên internet.
- Email (bắt buộc): Nhập địa chỉ email của bạn.
- Website: Nhập địa chỉ blog/website của bạn.
- Google+: Nhập địa chỉ Google+ của bạn.
- Twitter username (without @): Nhập tên sử dụng Twitter (Không có @).
- Facebook profile URL: Nhập địa chỉ hồ sơ cá nhân trên Facebook.
Lưu ý rằng địa chỉ email của bạn chỉ yêu cầu nhập ở đây. Đây là địa chỉ email WordPress dùng để thông báo khi bạn có comment mới hoặc khi có người dùng mới đăng ký trên trang của bạn.
About Yourself
Đây là nơi bạn có thể cung cấp một số thông tin về tiểu sử của mình và thay đổi mật khẩu cho website của bạn.
Khi hồ sơ cá nhân của bạn được xuất bản lên internet, không chỉ mọi người có thể nhìn thấy nó mà các công cụ tìm kiếm cũng có thể tìm thấy nó. Vì vậy hãy thật cẩn thận với các thông tin bạn cung cấp tại đây nếu không muốn sự riêng tư bị ảnh hưởng. Hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi bạn muốn chia sẽ các thông tin về mình với phần còn lại của thế giới.
- Biographical Info: Nhập ngắn gọn tiểu sử trong hộp văn bản Biographical Info. Thông tin này được hiển thị một cách công khai nếu bạn dùng một giao diện có tính năng hiển thị tiểu sử, vì thế hãy viết tiểu sử của bạn một cách sáng tạo.
Account Management
Tuỳ chọn WordPress | Page (Trang) | Post (Bài viết) |
---|---|---|
Hiển thị trong danh sách các bài viết | Không | Có |
Hiển thị như một trang tĩnh | Có | Không |
Hiển thị trong lưu trữ của Chuyên mục | Không | Có |
Hiển thị lưu trữ theo tháng | Không | Có |
Hiển thị trong danh sách bài viết mới đăng | Không | Có |
Hiển thị trong nguồn cấp dữ liệu RSS | Không | Có |
Khả năng tuỳ chỉnh Giao diện | Có | Không |
Phân cấp | Có | Không |
Hiển thị trong bảng kết quả tìm kiềm | Có | Có |
Comment
Menu Comment không có các menu con. Bạn chỉ cần nhấp vào liên kết để mở trang Comment, nó cung cấp cho bạn các tuỳ chọn sau:
- All: Hiển thị tất cả các bình luận có trên trang của bạn bao gồm: bình luận đã duyệt, bình luận đang chờ xử lý, và các bình luận spam.
- Pending: Hiển thị tất cả các bình luận đang chờ kiểm duyệt.
- Approved: Hiển thị tất cả các bình luận bạn đã phê duyệt.
- Spam: Hiển thị tất cả các bình luận spam.
- Trash: Hiển thị tất cả các bình luận bạn đã xoá vào thùng rác nhưng chưa xoá vĩnh viễn trên blog của mình.
Appreance
Khi bạn nhấp vào trình đơn Appearance trên menu điều hướng, các menu con sẽ hiển thị bao gồm:
- Theme: Liên kết này sẽ dẫn đến trang Themes, nơi bạn có thể quản lý các giao diện có trên trang của mình.
- Customize: Một số giao diện có trang Customize, tại đây bạn sẽ tìm thấy các cài đặt khác nhau có liên quan đến giao diện của mình.
- Widget: Trang Widget cho phép bạn thêm, xoá, chỉnh sửa và quản lý các widget có trên trang của mình.
- Header: Trong trang Customize Header bạn có thể upload hình ảnh sử dụng cho header. Tuy nhiên menu này chỉ hiển thị khi bạn dùng các themes có hỗ trợ tính năng Customize Header.
- Background: Liên kết này sẽ dẫn đến trang Background Image để bạn có thể tải hình ảnh lên làm hình nền cho website của bạn. Cũng giống như tính năng Cusomize Header, tính năng Background Image chỉ hiển thị khi các Themes hỗ trợ tính năng này.
- Editor: Liên kết này sẽ mở trang Themes Editor nơi bạn có thể chỉnh sửa giao diện WordPress của mình.
Plugin
Trình đơn tiếp theo trong menu điều hướng là Plugins. Nhấp vào menu Plugins để mở rộng các menu con bao gồm:- Installed Plugins: Liên kết này sẽ mở trang Plugins, nơi bạn có thể nhìn thấy tất cả các plugins đã cài đặt trên website của mình. Trên trang này bạn cũng có thể kích hoạt, ngưng kích hoạt và xoá plugin.
- Add New: Liên kết này sẽ mở ra trang Install Plugin, nơi bạn có thể tìm kiếm các plugin chính chủ bằng từ khoá, tác giả hoặc thẻ. Tại đây bạn cũng có thể cài đặt trực tiếp plugin từ WordPress Plugin Directory.
- Editor: Trang Edit Plugin cho phép bạn chỉnh sửa các tập tin trong Text Editor. Tôi khuyên bạn không nên sử dụng tính năng này nếu bạn không biết mình đang làm gì hoặc bạn không có kiến thức về PHP, CSS.
User
Menu User có 03 liên kết
- All User: Nhấp vào liên kết này để đi đến trang User, nơi bạn có thể xem, chỉnh sửa và xoá các user trên blog của mình. Mỗi user sẽ có tên đăng nhập và mật khẩu khác nhau. Bạn có thể xem và chỉnh sửa thông tin có liên quan đến user tại đây.
- Add New: Liên kết này sẽ mở trang Add New User, tại đây bạn có thể thêm người dùng mới vào trang web của mình. Chỉ cần nhập tên đăng nhập, họ và tên, địa chỉ email, URL website, và mật khẩu vào các trường và nhấp nút Add user. Bạn cũng có thể chọn cách bạn muốn WordPress gửi thông tin đăng nhập của người dùng bằng email và phân quyền cho các user.
- Your Profile: Liên kết này chuyển đến trang tạo hồ sơ cá nhân. Bạn có thể xem lại phần trình bày phía trên.
Tools
Đây là menu cuối cùng trong menu điều hướng của WordPress. Nhấp vào Tools để mở rộng các menu con bao gồm.
- Avaiable Tools: WordPress cung cấp 02 tính năng mở rộng bạn có thể sử dụng trên blog của mình là: Press This và Category/Tag Conversion. Import: Tính năng này giúp bạn nhập dữ liệu từ các nền tảng blog khác vào WorrdPress.
- Export: WordPress cũng cho phép bạn trích xuất nội dung đến các nền tảng blog khác.
Lời kết
WordPress là hệ quản trị nội dung (CMS) phổ biến nhất hiện nay. Nó cung cấp cho bạn 02 giao diện: Giao diện người dùng (Front-end) và giao diện quản trị (Back-end). Giao diện người dùng là nơi độc giả tương tác với bạn, giao diện quản trị là nơi bạn quản lý, điều hành website của mình.
Trong bài viết này tôi đã giới thiệu tổng quan về WordPress và các tính năng chính. Nếu bạn đã đọc hết bài viết thì bạn đã nắm được những kiến thức cơ bản nhất về WordPress rồi. Chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết các tính năng trên trong các bài viết tiếp theo.
Post a Comment