Quy trình xuất bản nội dung trên blog WordPress của bạn

WordPress là một công cụ xuất bản mạnh mẽ, đặc biệt là sau khi bạn đã tìm hiểu tất cả các tuỳ chọn ở bài trước. Bây giờ là lúc chúng ta đi vào tìm hiểu quy trình xuất bản nội dung trên trang web của bạn.

Phân loại nội dung theo chuyên mục

Trong WordPress, chuyên mục (category) dùng để phân loại các bài viết có cùng chủ đề. Nó giúp cho độc giả của bạn dễ dàng điều hướng khi duyệt nội dung. Khách truy cập có thể nhấp vào chuyên mục mà họ quan tâm để xem tất cả các bài viết trong đó. Từ đó làm tăng trải nghiệm người dùng và giúp cho các công cụ tìm kiếm dễ dàng lập chỉ mục trang web của bạn.
Chuyên mục trên trang của bạn sẽ được hiển thị ở các vị trí khác nhau như: ở đầu hoặc cuối bài viết, ở sidebar.
Một chuyên mục cha có thể có nhiều chuyên mục con để thuận tiện trong việc phân loại các bài viết.
Khi cài đặt, WordPress cung cấp cho bạn một chuyên mục mặc định có tên là Uncategorized (Không phân loại). Khi bạn viết bài và xuất bản nhưng không chọn chuyên mục cho bài viết, mặc định nó sẽ nằm trong chuyên mục Uncategorized. Tên gọi này khá chung chung vì vậy có thể bạn sẽ muốn đổi tên để nó trở nên cụ thể và rõ ràng hơn.
Vậy làm thể nào để thay đổi tên cho chuyên mục mặc định? Sau khi bạn đăng nhập vào WordPress Dashboard hãy làm theo các bước sau:
1. Nhấp vào liên kết Categories trong menu Post.
Trang Categories sẽ hiện ra, nó cung cấp tất cả các công cụ cần thiết để bạn cài đặt và chỉnh sửa tiêu đề của chuyên mục trên trang của bạn.
2. Nhấp vào tiêu đề của chuyên mục bạn muốn chỉnh sửa
Để đổi tên chuyên mục Uncategorized bạn nhấp vào chuyên mục Uncategorized để đi đến trang Edit Category.
3. Nhập tên mới vào trường Name.
Đây là tên sẽ hiển thị trên website của bạn.
4. Nhập tiêu đề mô tả cho chuyên mục vào trường Slug
Slug là phiên bản URL thân thân thiện của Name. Nó thường không được viết hoa và bao gồm các chữ cái, số và gạch nối.
5. Lựa chọn chuyên mục cha (nếu có) từ menu Parent Category xổ xuống.
Nếu bạn muốn tạo chuyên mục chính, hãy chọn None.
6. Nhập mô tả của chuyên mục vào hộp văn bản Description.
7. Nhấp vào nút Update để cập nhật thay đổi.
Nếu bạn chỉ muốn thay đổi tên của Chuyên mục, chỉ cần nhấp vào liên kết Quick Edit phía dưới tên của Chuyên mục. Bạn có thể đổi tên một cách nhanh chóng mà không cần phải tải trang Edit Category.

Tạo mới và xoá chuyên mục

Theo thời gian, website của bạn sẽ ngày càng phát triển về quy mô và “có tuổi”. Bạn sẽ phải thêm các chuyên mục mới để lưu trữ các bài viết trên trang của mình. Bạn không bị giới hạn về số lượng Chuyên mục và Chuyên mục con có thể tạo ra.
Tạo mới một chuyên mục rất đơn giản theo các bước:
1. Nhấp vào liên kết Categories trong menu Post.
2. Phía bên trái của trang Category hiển thị mục Add New Category
3. Nhập tên của Chuyên mục mới và hộp văn bản Name
4. Nhập tiêu đề mô tả cho chuyên mục vào trường Slug
5. Lựa chọn chuyên mục cha (nếu có) từ menu Parent Category xổ xuống.
6. Nhập mô tả của chuyên mục vào hộp văn bản Description.
7. Nhấp vào nút Add New Category để tạo mới chuyên mục.
Bạn có thể dễ dàng xoá chuyên mục bằng cách rê chuột lên tiêu đề của chuyên mục mà bạn muốn xoá. Sau đó nhấp vào liên kết Delete phía bên dưới tiêu đề của chuyên mục. Lưu ý là bạn chỉ xoá chuyên mục chứ không phải xoá tất cả các bài viết nằm trong chuyên mục đó. Các bài viết đó sẽ được chuyển đến chuyên mục Uncategorized.
Bạn cũng có thể chuyển đổi Chuyên mục thành Thẻ bằng cách chọn chuyên mục cần chuyển và nhấp vào liên kết category to tag converter nằm phía bên dưới trang Category.
Hãy đọc bài viết này để hiểu thêm về Chuyên mục và Thẻ.

Tìm hiểu địa chỉ bài viết: Liên kết tĩnh (Permalinks)

Mỗi bài viết hoặc trang đều có một địa chỉ nhất định được gọi là permalinks. Liên kết tĩnh có nghĩa là liên kết cố định và không thay đổi. WordPress tự động tạo ra liên kết tĩnh cho mỗi bài viết.
Theo mặc định, liên kết tĩnh trong WordPress có dạng:
[warning]https://thanh1986t.com/?p=1102[/warning]

Trong đó p là viết tắt của từ post, 1102 là số ID được gán cho bài viết.

Làm đẹp các liên kết của bài viết

Một liên kết tĩnh đẹp là liên kết dễ nhìn đối với độc giả, và thân thiện đối với các công cụ tìm kiếm. Tức là người đọc khi nhìn vào liên kết họ có thể đoán được nội dung bài viết, các công cụ tìm thì dễ dàng lập chỉ mục.
Một liên kết tĩnh đẹp có dạng:
http://tên_miền_của_bạn.com/tên_chuyên_mục/tên_bài_viết/
Nếu nhìn vào liên kết trên bạn có thể dễ dàng biết được nội dung bài viết và nó thuộc chuyên mục nào.
Để cài đặt cách hiển thị liên kết tĩnh bạn nhấp vào trang Setting » Permalinks.

Trên trang này bạn sẽ tìm thấy các tuỳ chọn cài đặt hiển thị liên kết tĩnh như sau:
  • Default (không đẹp): WordPress gán một số ID cho mỗi bài viết và tạo ra một URL có dạng:
http://yourdomain.com/?p=ID/
  • Day and name (đẹp): Với mỗi bài viết WordPress tạo ra một liên kết tĩnh gồm ngày, tháng, năm và tiêu đề bài viết có dạng:
http://yourdomain.com/2017/09/01/ten-bai-viet.
  • Month and day (đẹp): Tương tự như Day and name, khi bạn tạo mới một bài viết WordPress cũng sẽ tạo ra một liên kết tĩnh gồm tháng, năm và tiêu đề có dạng:
http://yourdomain.com/2017/09/ten-bai-viet
  • Numeric (không đẹp): WordPress gán cho mỗi permalinks một giá trị có dạng:
http://yourdomain.com/archives/123
  • Post Name (đẹp): WordPress lấy tiêu đề của bài viết hoặ trang của bạn để tạo URL của liên kết tĩnh.
Ví dụ: Tên trang có chứa chuyên mục WordPress của tôi có liên kết tĩnh là http://thanh1986t.com/WordPress.
Tương tự bài viết có tiêu đề Tổng quan về WordPress và các tính năng mới sẽ có liên kết tĩnh là:
http://thanh1986t.com/tong-quan-ve-wordpress-va-cac-tinh-nang-chinh.
  • Custom Structure (tôi dùng tuỳ chọn này): Với tuỳ chọn này WordPress sẽ tạo ra các liên kết tĩnh theo chỉ định của bạn. Bạn có thể tạo một cấu trúc liên kết tĩnh tuỳ chỉnh (custom structure permalinks) bằng cách dùng thẻ và các biến. Chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết trong phần tiếp theo.

Tuỳ chỉnh Permalinks của bạn

Một custom structure permalinks cho phép bạn chỉ định các biến bạn muốn hiển thị trong permalinks bằng các dùng các thẻ và các biến.
Nếu bạn muốn permalinks của mình hiển thị năm, tháng, ngày, chuyên mục và tên bài viết kích chọn Custom Structure trong trang Permalinks Setting và nhập vào hộp văn bản các thẻ như sau:
/%year%/%monthnum%/%day%/%category%/%postname%/
Bảng danh sách các Thẻ tuỳ chỉnh liên kết tĩnh
Lưu ý: Hãy chắc chắn rằng bạn đã thêm dấu (/) vào trước, giữa và cuối các thẻ. Định dạng này đảm bảo rằng WordPress tạo ra chính xác các permalinks bằng cách sử dụng các quy định trong tập tin .htaccess. Việc thay đổi cấu trúc permalinks sẽ dẫn đến các thay đổi các URLs của tất cả các bài viết, trang kể cả mới và cũ. Vì thế không nên thay đổi cấu trúc liên kết tĩnh nếu không cần thiết.
Đừng quên nhấp vào nút Save Changes ở phía dưới của trang Permalinks Setting để lưu lại!

Viết bài viết đầu tiên của bạn

Đã đến lúc bắt đầu viết bài viết đầu tiên trên trang WordPress của bạn rồi!
Chủ đề bạn chọn và kỹ thuật viết blog là hai yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự thành công của bạn.
Bạn đã sẵn sàng chưa? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu cách thức viết một bài viết sao cho hấp dẫn, lôi cuốn độc giả nào
Viết một bài viết mới nó giống như việc gửi một email: Bạn nhập tiêu đề cho nó, soạn nội dung và cuối cùng nhấp nút Send để gửi thư.
Bạn có thể thu gọn hoặc sắp xếp lại các moduls trên trang Add New Post theo sở thích của mình.
Làm theo các bước dưới đây để viết một bài cơ bản
  1. Nhấp vào liên kết Add New trong menu Post.
  2. Nhập tiêu đề bài viết vào ô Enter Title Here.
  3. Nhập nội dung bài viết.
  4. Nhấp nút Save Draft để lưu nháp.
Theo mặc định, vùng soạn thảo văn bản của bạn ở trong chế độ Visual Editing. Chế độ này rất trực quan giúp bạn có thể dễ dàng chỉnh sửa nội dung bài viết.
Nếu bạn đã từng sử dụng qua các chương trình soạn thảo văn bản trên Windows ví dụ như Microsoft Word thì bạn có thể sẽ biết chức năng của các nút:
  • Bold: Chèn thẻ HTML <strong></strong> làm cho chữ đậm để nhấn mạnh một điều nào đó. Ví dụ: Chữ đậm.
  • Italic: Chèn thẻ HTML <em></em> làm nghiêng chữ. Ví dụ: Chữ nghiêng.
  • Strikethrough: Chèn thẻ  HTML <strike></strike> gạch ngang chữ. Ví dụ: Gạch ngang
  • Unordered List: Chèn cặp thẻ HTML <ul><li> </li></ul> để tạo ra danh sách không có thứ tự.
  • Ordered List: Chèn cặp thẻ HTML <ol><li></li></ol> để tạo danh sách theo thứ tự.
  • Blockquote: Chèn thẻ HTML <blockquote></blockquote>để tạo văn bản trích dẫn.
  • Align left: Chèn thẻ <p align=”left”></p> để căn trái văn bản.
  • Align Center: Chèn thẻ <p align=”center”></p> để căn giữa văn bản.
  • Align Right: Chèn thẻ <p align=”right”></p> để căn phải văn bản
  • Insert/Edit Link: Chèn thẻ <a href=”địa chỉ liên kết”></a> để chèn liên kết vào bài viết.
  • Unlink: Xoá bỏ liên kết đã tạo trước đó.
  • Insert More Tag: Chèn thẻ <–more–!> để tách văn bản của bạn. Phần văn bản trước <–more–!> dùng để miêu tả đại ý bài viết của bạn.
  • Distraction‐Free Writing Mode: Giúp bạn tập trung hoàn toàn vào bài viết với chế độ toàn màn hình, chỉ hiển thị những tính năng cần thiết.
  • Show/Hide Kitchen Sink: Bao gồm các tuỳ chọn nâng cao có sẵn trong Visual Text Editor. Nhấp vào nút này sẽ có một menu xổ xuống cung cấp cho bạn các tuỳ chọn để chỉnh sửa văn bản như: màu chữ, các ký tự đặc biệt, hoàn tác, làm lại…

Tinh chỉnh các tuỳ chọn cho bài viết của bạn

Sau khi hoàn chỉnh bài viết, bạn có thể bổ sung một vài tuỳ chọn khác cho bài viết của mình trước khi xuất bản nó lên internet. Bạn có thể nhìn thấy các tuỳ chọn này ở phía bên dưới và bên phải của hộp soạn thảo văn bản. Nếu bạn không nhìn thấy các tuỳ chọn đó, hãy kiểm tra lại xem bạn đã kích hoạt nó trong Screen Option chưa.

Bạn có thể sắp xếp lại vị trí các module tuỳ chọn này trên trang Add New Post để phù hợp với nhu cầu sử dụng của mình.
Dưới đây là các tuỳ chọn mà bạn có thể tìm thấy phía dưới hộp soạn thảo văn bản của WordPress
Excerpt: Đây là trích đoạn, tức là mô tả tóm tắt nội dung của bài viết của bạn. Nhiều nhà xuất bản web dùng các trích đoạn gây tò mò, kích thích người dùng từ đó làm cho họ nhấp vào nút Read more để đọc toàn bộ nội dung. Bạn cần học hỏi cách viết trích đoạn sao cho ngắn gọn, thu hút để lôi cuốn độc giả của mình.
Send Trackbacks: Tôi đã có một bài viết có liên quan về trackbacks, bạn có thể xem tại đây. Nếu bạn muốn gửi một trackbacks đến nội trang web khác, nhập URL trackbacks vào hộp Send Trackbacks To. Bạn có thể gửi trackbacks đến nhiều hơn 01 website. Nhưng hãy chắc chắn rằng các trackbacks URL được phân cách bằng khoảng trống.
Customize Fields:  Thêm các dữ liệu mở rộng vào bài viết của bạn.
Disscussion: Cho phép người dùng để lại bình luận trên trang của bạn bằng cách kích chọn hộp kiểm Allow people to post comments on new articles. Cho phép hiển thị thông báo từ blog khác (trackbacks and pingbacks) bằng cách kích chọn hộp kiểm Allow link notifications from other blogs (pingbacks and trackbacks) on new articles.
Slug: Theo mặc định, WordPress lấy tên tiêu đề bài viết của bạn để tạo permalinks, bạn có thể chỉnh sửa permalinks cho bài viết của bạn trong trường văn bản Slug.
Author: Theo mặc định WordPress sẽ gán bạn là tác giả của bài viết. Tuy nhiên nếu trang của bạn có nhiều User thì bạn nên chọn chính xác tác giả của mỗi bài viết bằng cách chọn tên tác giả từ menu xổ xuống.
Dưới đây là các tuỳ chọn mà bạn có thể tìm thấy bên phải hộp soạn thảo bài viết
Publish: Có hai tuỳ chọn xuất bản bài viết của bạn. Một là công khai (public) và hai là riêng tư (private).
Format: Module này chỉ xuất hiện nếu bạn sử dụng giao diện có hỗ trợ tính năng Post Formats. Trong module Format bạn có thể chọn kiểu định dạng bạn muốn áp dụng cho bài viết của mình.
Categories: Bạn có thể phân loại, tổ chức sắp xếp các bài viết có cùng chủ đề vào các chuyên mục khác nhau. Chọn hộp Categories bên phía tay phải, chọn chuyên mục cho bài viết. Bạn có thể chuyển đổi cách liệt kê các chuyên mục: Tất cả các chuyên mục hay chuyên mục sử dụng nhiều nhất.
Tags: Nhập tên thẻ mà bạn muốn gắn cho bài viết. Nếu bạn muốn gắn nhiều thẻ cho bài viết, hãy phân cách chúng bằng dấu phẩy (,). Sau cùng nhấp nút Add để gắn thẻ cho bài viết.
Featured Image: Đây là hình ảnh tiêu biểu tức là ảnh đại diện cho bài viết của bạn. Các ảnh tiêu biểu có thể hiển thị ở trang chủ, trang blog, trang lưu trữ…Nếu bạn đang sử dụng WordPress Themes có hỗ trợ tính năng này, bạn có thể dễ dàng tạo một Featured Imange bằng cách nhấp vào liên kết Set featured image. Sau đó chọn hình ảnh mà bạn đã tải lên trong thư viên và nhấp nút Set featured image để chỉ định ảnh tiêu biểu cho một bài viết cụ thể.
Revision: Revision là một tính năng mà nó tự động sao lưu bản sao của bài viết qua mỗi lần bạn ấn nút Save Draft, mỗi lần lưu nháp nó sẽ có một phiên bản revision để bạn có thể dễ dàng khôi phục lại các nội dung của lần lưu nháp trước đó. Tính năng này rất hữu ích khi trang của bạn có nhiều tác giả. Khi bài viết của bạn bị chỉnh sửa, thay vì lưu đè nội dung, WordPress sẽ tạo ra một phiên bản mới. Điều này giúp bạn dễ dàng trở về phiên bản trước đây nếu thấy không hài lòng với phiên bản hiện tại.
Khi bạn hoàn thành các bước trên, đừng vội rời khỏi trang này vì các cài đặt của bạn chưa được lưu lại. Phần tiếp theo mới bao gồm tất cả cài đặt bạn cần lưu lại cho bài viết của mình.

Xuất bản bài viết của bạn

Bạn đã hoàn thiện bài viết của mình, giờ là lúc bạn quyết định liệu xuất bản nó hay là không. WordPress cung cấp cho bạn 03 tuỳ chọn để xuất bản bài viết. Module Publish nằm phía bên phải của của trang Add New Post hoặc Edit Post. Bạn chỉ cần nhấp vào dấu mũi tên hình tam giác để mở rộng hoặc thu nhỏ module này.
Module Publish có các tuỳ chọn:
Save Draft: Chọn tuỳ chọn này để lưu bài viết của bạn dưới dạng bản nháp. Trang Edit Post sẽ tải lại tất cả các nội dung và cài đặt đã được lưu. Bạn có thể tiếp tục chỉnh sửa nó ngay hoặc để ngày mai, ngày mốt. Để truy cập vào soạn thảo bài viết nháp bạn nhấp vào liên kết Edit sau đó chọn Draft trong menu xổ xuống và nhấn OK.
Preview: Nhấp vào nút Preview để xem trước bài viết của bạn trong một cửa sổ mới như cách nó xuất hiện nếu bạn đã xuất bản nó. Preview chỉ xem trước bài viết của bạn sẽ trông như thế nào chứ chưa thật sự xuất bản nó. Preview cho phép bạn xem trước bài viết để có thể hoàn thiện nó khi xuất bản.
Status: Nhấp vào liên kết Edit để mở cài đặt cho tuỳ chọn này. Một menu xổ xuống sẽ xuất hiện và bạn có thể chọn Draft hay Pending Review:
  • Chọn Draft để lưu bài viết nhưng không xuất bản nó
  • Nếu trang của bạn có nhiều tác giả, khi chọn Peding Review bài viết đó sẽ được hiển thị trong danh sách các bản nháp chờ phê duyệt của quản trị viên trước khi xuất bản.
Nhấp OK để lưu lại các cài đặt.
Stick This Post to the Front Page: Bình thường các bài viết trên blog của bạn được hiển thị theo trình tự thời gian. Bài viết gần đây nhất sẽ được hiển thị đầu tiên. Kích chọn hộp kiểm này nếu muốn WordPress xuất bản bài viết của bạn và giữ nó nằm trên tất cả các bài viết khác cho đến khi bạn thay đổi cài đặt này.
Password Protected: Bằng cách đặt mật khẩu cho bài viết, bạn có thể xuất bản bài viết lên blog của mình mà chỉ có những người biết mật khẩu mới có thể truy cập được.
Private: Xuất bản bài viết lên blog và chỉ có mình bạn mới có thể xem được. Tuỳ chọn này dành cho những bài viết mang tính chất cá nhân, riêng tư.
Publish Immediately: Nhấp vào liên kết Edit đặt thời gian xuất bản cho bài viết. Giả sử bạn bận đi du lịch trong một thời gian nhưng vẫn muốn blog của mình đăng bài đều đặn thì bạn tranh thủ viết trước vài bài và đặt thời gian xuất bản. Trong khi bạn đi du lịch, vui vẻ thì blog của bạn vẫn có bài viết mới. Nếu bạn muốn đăng bài viết theo thời gian hiện tại, bỏ qua tuỳ chọn này. 
Move to Trash: Nhấp vào liên kết này để xoá bài viết. Bài viết của bạn vẫn chưa bị xoá vĩnh viễn vì nó ngừa các trường hợp vô tình xoá các bài viết. Bài viết sẽ được đưa vào thùng rác, và bạn có thể khôi phục nó khi cần. Bạn có thể tìm thấy tất cả các bài viết đã xoá trong thùng rác bằng cách nhấp vào trang Post » All Post, sau đó nhấp vào liên kết Trash.
Publish: Bạn sẽ nhấp vào nút này cuối cùng sau khi đã hoàn thành nội dung, cài đặt. Vâng đây chính là nút dùng để xuất bản bài viết của bạn lên internet.

Chỉnh sửa bài viết của bạn

Khi bạn xuất bản bài viết lên internet rồi nhưng khi đọc lại bạn phát hiện ra một số lỗi chính tả, ngữ pháp hoặc muốn chỉnh sửa các ý trong bài viết của mình bạn có thể chỉnh sửa theo các bước sau:
  1. Tìm bài viết bạn muốn chỉnh sửa bằng cách nhấp vào liên kết Post » All Post
Số lượng bài viết hiển thị trên trang Posts là 20 bài. Bạn có thể hiển thị bài viết theo các tiêu chí khác nhau như: Ngày, Chung mục, Series…
2. Sau khi bạn tìm được bài viết cần chỉnh sửa, nhấp vào tiêu đề của nó để vào trang Edit Posts
Cửa sổ Edit Post sẽ mở ra. Tại đây bạn có thể chỉnh sửa tiêu đề, nội dung và các tuỳ chọn khác của bài viết.
Bạn cũng có thể nhấp vào liên kết Edit xuất hiện phía dưới tiêu đề bài viết trong trang Posts.
Nếu bạn chỉ muốn chỉnh sửa các tuỳ chọn của bài viết thôi thì nhấp vào liên kết Quick Edit. Các tuỳ chọn của bài viết sẽ hiện ra và bạn có thể chỉnh sửa, cấu hình các tuỳ chọn như: Tiêu đề, ngày tháng, tác giả, mật khẩu, chuyên mục ,thẻ…
3. Chỉnh sửa bài viết của bạn sau đó nhấp vào nút Update
Nội dung của bài viết sẽ được làm mới và lưu lại.

Ai bình luận trên trang của bạn?

Một tính năng sáng giá tuyệt vời trong WordPress là bình luận (comments). Nó cho phép độc giải tương tác với bạn một cách dễ dàng.

Quản lý comments và trackbacks

Để nhìn thấy các comments trên trang của mình, bạn nhấp vào liên kết Comments trên menu điều hướng của WordPress Dashboard. Trên trang Comments bạn sẽ thấy các liên kết:
Unapprove: Liên kết này chỉ xuất hiện nếu bạn bật tính năng kiểm duyệt bình luận và chỉ hiển thị đối với các bình luận đã được phê duyệt. Bạn sẽ nhìn thấy các bình luận chờ kiểm duyệt bằng cách nhấp vào liên kết Awaiting Moderation xuất hiện phía dưới tiêu đề của Manage Comments. Hàng đợi kiểm duyệt là nơi giữ các bình luận chưa được xuất bản trên blog của bạn.
Reply: Nhấp vào liên kết này bạn sẽ thấy một hộp văn bản xổ xuống và bạn có thể trả lời bình luận của độc giả. Tính năng này rất tiện lợi vì nó giúp bạn không cần phải vào trực tiếp trang trả lời.
Quick Edit: Tính năng chỉnh sửa nhanh. Nhấp vào liên kết này mà không cần phải rời khỏi trang Comments. Bạn có thể dễ dàng chỉnh sửa và cấu hình các tuỳ chọn: tên, địa chỉ email, URL và nội dung bình luận. Nhấp nút Save để lưu lại.
Edit: Nhấp vào liên kết này để mở trang Edit Comments. Tại đây bạn có thể chỉnh sửa các trường khác nhau như: tên, địa chỉ email, URL, nội dung bình luận.
Spam: Nhấp vào liên kết này để đánh dấu một bình luận là spam và vứt nó vào sọt rác. Và bạn sẽ không bao giờ bị ức chế, bực mình vì những thứ tào lao, vớ vẩn.
Trash: Như tên gọi đây là thùng rác, nơi sẽ chứa các bình luận bị xoá.
Nếu bạn có rất nhiều bình luận trên trang Comments, và bạn muốn thao tác với nhiều bình luận cùng một lúc để tiết kiệm thời gian, kích chọn vào hộp kiểm phía bên trái để chọn tất cả các bình luận. Sau đó chọn một trong các tuỳ chọn từ menu xổ xuống: Approve, Mark As Spam, Unapprove, hoặc Delete.

Kiểm duyệt comments và trackbacks

Nếu bạn đã cấu hình các tuỳ chọn để các bình luận không được xuất bản cho tới khi được phê duyệt, bạn cũng có thể phê duyệt các bình luận từ trang Comments. Chỉ cần nhấp vào liên kết Pending trong trang Comments để đi đến trang Edit Comments. Nếu bạn có các comments hoặc trackbacks đang chờ kiểm duyệt, bạn sẽ thấy nó xuất hiện ở đây. Bạn có thể phê duyệt, đánh dấu là spam hoặc xoá bỏ chúng.
Một tính năng tuyệt vời của WordPress là nó sẽ thông báo ngay lập tức cho bạn khi có comments hoặc trackbacks nào đang nằm trong hàng đợi. Thông báo này xuất hiện dưới dạng một hình tròn nhỏ màu đỏ phía trên bên phải của liên kết Comments.

Xử lý spam với Askimet

Tôi đã có một bài viết chi tiết về Askimet và cách chống spam bình luận tại đây. Bạn hãy tham khảo để biết thêm chi tiết.
Có ý kiến cho rằng Askimet là mẹ của các plugin và không có một blog WordPress nào hoàn hảo nếu không kích hoạt Askimet. Có thể lời này hơi quá nhưng nó đã khẳng định tầm quan trọng của plugin Askimet. Askimet được tích hợp khi bạn cài đặt WordPress, bạn không cần cài đặt, chỉ cần kích hoạt nó là xong. Askimet được tạo ra bởi các thành viên kỳ cựu của Automattic – những người đã phát hành CMS WordPress tuyệt vời đến tay bạn. Và Askimet là câu trả lời thích đáng cho việc chống lại các spam bình luận và trackbacks. Askimet là một nỗ lực hợp tác để các bình luận và trackbacks spam không còn là một vấn đề nhức nhối đối với các blogger và lấy lại hứng thú, niềm tin để họ tiếp tục viết blog với sự đam mê và không còn lo lắng về bình luận, trackbacks spam nữa.

Tổng kết

Sau khi đọc xong bài viết Quy trình xuất bản nội dung trên blog WordPess này bạn đã có cái nhìn tổng quan về quy trình xuất bản nội dung lên blog của mình. Bạn đã biết cách tạo, đổi tên chuyên mục; viết bài và chỉnh sửa nội dung bài viết, cài đặt các tuỳ chọn cho bài viết của mình; cách tuỳ chỉnh permalinks để nó thân thiện với độc giả và các công cụ tìm kiếm; biết cách xử lý các comments và trackbacks.
Trong bài viết tiếp theo chúng ta sẽ cùng tìm hiểu cách quản lý hình ảnh, video, âm thanh trong WordPress.
Hẹn gặp lại bạn trong bài viết tiếp theo! 

Quy trình xuất bản nội dung trên blog WordPress của bạn

Thẻ

Post a Comment

[facebook][blogger]

Author Name

Contact Form

Name

Email *

Message *

Powered by Blogger.